Review Cửu Dung – Hoài Châm Công Chúa

Đọc xong Cửu Dung, tôi cảm thấy nghèn nghẹn. Tôi không biết phải miêu tả cảm giác này ra sao, chỉ biết rằng nó rất khó chịu. Rõ ràng không phải SE, rõ ràng Lãnh Cửu Dung hoàn thành được tâm nguyện của mình, nhưng tôi vẫn thấy buồn.

Lãnh Cửu Dung là người con gái tài hoa. Tuy xuất thân hàn vi, nàng mang vẻ đẹp nội tâm hơn hẳn những thiên kim tiểu thư. Tính cách nổi bật nhất của nàng là lãnh đạm, việc gì có thể tránh được, nàng sẽ tránh. Nàng chỉ muốn an ổn sống tiếp cuộc đời mình. Nhưng khi bị ép buộc phải tranh giành, phải bày mưu, nàng không thua bất cứ ai. Nhược điểm lớn nhất của nàng vừa là ưu điểm của nàng, là sự mềm lòng và tình thương người. Cửu Dung luôn vì người khác. Nàng đồng ý làm thiếp ở Thẩm gia vì phụ thân, nàng ở lại chịu oan cùng Thẩm gia vì nhà họ Thẩm, nàng tiến cung vì Tiết Hi Kiếm, nàng đối mặt với Minh quý phi vì Băng Ngưng, nàng giành ân sủng của hoàng đế vì các cung nhân bên cạnh…. Có thể nói Cửu Dung chưa bao giờ nghĩ cho bản thân. Đến tình cảm của Tiết Hi Kiếm, nàng cũng còn không dám thừa nhận vì Băng Nhi, tỷ muội thân thiết của nàng, từng có tình ý với y. Nhiều lần tôi rất bực mình do nàng hay dồn ép bản thân đến bước đường cùng. Song, như thế mới đúng là Lãnh Cửu Dung, người con gái lãnh đạm với bản thân nhưng lại hết lòng vì bằng hữu, người thân. Ai đối tốt với nàng, nàng sẽ đối tốt lại gấp trăm lần.

Nàng tốt như vậy mà cuộc đời của nàng trải qua lắm gian truân. Bắt đầu từ 15 tuổi gả vào Thẩm gia, hết gia đấu đến cung đấu tìm đến nàng. Bốn nam nhân xuất hiện trong đời nàng, để lại ký ức khó phai, cả tốt lẫn xấu. Nhưng, đến cuối, nàng một thân một mình. Không con, không trượng phu, trái tim nguội lạnh, không còn người thân bên cạnh, ngoại trừ những người thân tín một lòng một dạ như Minh Nguyệt Hân Nhi, Thư Vũ hay Băng Ngưng. Nàng khiến tôi liên tưởng đến Chân Hoàn trong Hậu Cung Chân Hoàn Truyện. Hận thù Hoàng thượng hại chết đứa con của mình, hại chết người trong lòng mình, Cửu Dung hay Chân Hoàn đều dùng âm mưu đẩy Hoàng thượng đến chỗ chết. Nữ tử mạnh mẽ ấy, mãi mãi không thể làm trái tim ấm nóng lần nữa.

Truyện này không có nam chính, chỉ có nữ chủ (giống Tru Tiên, chỉ có nam chủ, không có nữ chính). Tuy nhiên, vẫn có một nam nhân khiến Cửu Dung và cả tôi nuối tiếc khôn nguôi. Đó là Tiết vương gia, Tiết Hi Kiếm. Buổi đầu gặp mặt, tôi từng có ấn tượng không tốt với y, cho là y phong lưu đào hoa, kiêu căng ngạo mạn. Cửu Dung cũng có cùng suy nghĩ. Lần thứ hai gặp tại hội thi, y giả trang thành Tiêu Tiếu tham gia, tôi ngờ ngợ có gì đó không phải. Đúng ra là tôi nhạy cảm nhìn ra được tình cảm mới ươm mầm tại trái tim y. Tiết Hi Kiếm luôn xuất hiện lúc Cửu Dung nguy cấp nhất. Y là người đầu tiên không quản an nguy của mình mà chỉ một lòng lo cho nàng. Khi cha nàng suýt bị giết vì quỵt nợ, khi khách điếm cháy, khi Minh quý phi mưu tính làm nhục nàng tại Dung Hoa hội,… Y còn không ngại ngần mà hoàn thành mọi nhờ vả của nàng. Mỗi một lần là một món nợ của Cửu Dung. Nợ tình, chỉ có thể dùng tình mà trả. Thế mà duyên phận trêu ngươi, bằng cách này hay cách khác, nàng và y vuột mất nhau. Nàng vì Băng Nhi đã khuất mà lần lữa không chịu đối diện với tình cảm của mình. Đến lúc nàng tình nguyện ở bên y thì lại bị Lý Thanh Dao, Tiết vương phi, hãm hại, đẩy nàng vào cung. Trước mâu thuẫn của Hoàng thượng với Tiết Hi Kiếm, Cửu Dung không thể không tuân theo. Nàng và Tiết Hi Kiếm cách nhau ngày càng xa, vĩnh viễn không thể vãn hồi.

“…Chính xác, ta yêu mến nàng, nhưng ta chưa từng có ý nghĩ muốn giữ nàng cho riêng mình. Bởi vì ta cảm thấy ta không xứng với nàng. Nhà của ta có thê tử hung hãn, lại có ba mươi sáu phòng cơ thiếp, ta không thể nói cho nàng biết là ta thích nàng. Tuy rằng người ngoài nói ta phong lưu tột độ, là một Vương gia trác táng, nhưng cô có biết, ta vốn không phải người như thế. Nếu ta toàn tâm toàn ý thích một người, ta tuyệt đối sẽ không để nàng chịu bất kỳ uất ức nào. Nếu ta đã có nàng, sẽ không liếc mắt nhìn nữ tử khác một cái. Nhưng hiện giờ ta không làm được, nên ta chưa từng có ý muốn không an phận với Cửu Dung…”

Tiết Hi Kiếm y bị giành mất ngôi báu, bị chèn ép mất thực quyền, bị giám sát ngày đêm… Những gì y thể hiện là thân bất do kỷ. Kỳ thực y rất tốt. Y dịu dàng nhẫn nại, chung thủy không đổi thay. Chỉ tiếc là mối nguy hại của y ảnh hưởng đến cả Cửu Dung, nên y mất nàng. Y không có lựa chọn nào. Không ai hỏi y ý kiến y ra sao, không ai quan tâm xem tâm tình của y thế nào. Một Tiết Hi Kiếm sẵn sàng ra tiền tuyến để hoàng huynh của mình không nghi ngờ Cửu Dung, một Tiết Hi Kiếm đến lúc chết vẫn nhớ đến nàng, tìm về bên nàng, hẹn nàng kiếp sau tình trọn vẹn. Đối với Tiết Hi Kiếm, tấm lòng vì người khác của Cửu Dung tổn thương y nhiều nhất. Cho dù phần nhiều là muốn bảo vệ y, không phủ nhận rằng, y rất đau lòng. Cửu Dung của những lúc đó chưa bao giờ thực sự đặt ở vị trí của y mà ngẫm. Nàng không chấp nhận tình cảm của y vì Băng Nhi, nàng tiến cung vì y, hay nàng ép y nhận hôn ước với Băng Ngưng… Tiết Hi Kiếm chưa bao giờ muốn những điều này. Trái tim y chỉ có chỗ cho một người, người đã khắc sâu trong tâm khảm y. Y là người duy nhất yếu Cửu Dung sâu sắc, và là người duy nhất nàng nợ rất nhiều, dù nàng đã trả bằng cả trái tim, cả tấm lòng, cả linh hồn, vẫn không đủ.

Đất diễn của y không nhiều. Song vai trò của y cực kỳ quan trọng. Tiết Hi Kiếm và Cữu Dung, hy vọng kiếp sau họ sẽ được hạnh phúc. Hy vọng rằng nàng không còn cô đơn, và y không còn lạc lõng và bất lực trong nỗi tương tư.

Viên Chấn Đông, Tiết Hi Nhân hay Thẩm Hồng đều chỉ đáng nhắc đến trong vài lời. Về Viên Chấn Đông, hắn càng ngày càng đáng ghét. Tôi từng nghĩ hắn yêu Cửu Dung sâu sắc, tình yêu ích kỷ đáng sợ như Lý Thanh Dao, biến thành niềm hận thù vô tận. Tôi đã sai. Hắn yêu bản thân mình nhất. Cửu Dung chỉ là một phần của lý do tạo nên âm mưu to lớn ấy. Giữa hắn và Cửu Dung là tình thanh mai trúc mã, là thuở ấu thơ, là tình cảm nhạt nhòa nhưng bền bỉ. Song thứ tình cảm đó không thể đánh bại cái gọi là lợi ích và quyền lực, nếu không thì khi Tiết Tuần lên ngôi, hắn đã không có ý định làm phản khi đủ thực lực. Viên Chấn Đông từng cứu Cửu Dung nhiều lần. Trái tim hắn có hình bóng nàng. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ gạt đi sự căm ghét của tôi với hắn. Tiết Hi Nhân thì càng không đáng nói. Bảo thủ, cố chấp, đa nghi, cực đoan, độc ác, tự ti… Bao nhiêu tính xáu tụ tập hết ở con người này. Hắn có tình ý với Cửu Dung? Còn lâu đi… Trái tim của hắn chia thành ba nghìn phần, dành cho ba nghìn mỹ nhân hậu cung mất rồi. Cửu Dung được đưa vào cung dựa vào lời phán của một đạo sĩ giả, cùng với sự ganh ghét Tiết vương gia, chứ chẳng phải do tình cảm gì hết. Cái hắn cho nàng chỉ là chút ấm áp, yêu chiều. Khoảnh khắc hắn tự tay giết đứa con trai đang thành hình trong bụng Cửu Dung, khoảnh khắc hắn sung sướng vì giết được viên tướng quân luôn cản đường mình, đạp đổ được Minh quý phi, tôi càng hận hắn hơn. Rõ ràng hắn biết lần đầu của nàng là cho hắn, sau đó Tiết Hi Kiếm không hề đến cung của nàng lần nào, vậy mà hắn vẫn tin lời gièm pha của Minh quý phi. Hắn là gieo gió gặt bão, tất cả là nhân quả hắn gây ra. Hắn chết chỉ là điều sớm muộn. Thẩm Hồng thì càng mờ nhạt hơn. Người này là thư sinh học thức rộng, nhưng lại quá yếu đuối, cố chấp,… Hắn cảm kích Cửu Dung, tương kính như tân, hoàn toàn không phải là tình yêu. Người hắn yêu là Liễu Vũ Tương. Nhìn thấy Liễu Vũ Tương, hắn quên mọi việc hết thảy. Hắn hợp với người như Liễu Vũ Tương, hoàn toàn không phải nơi Cửu Dung có thể gửi gắm. Hắn không xấu, có thể nói là tốt, song lại là dạng nam nhân tôi khống thích.

Tác phẩm có nhiều nhân vật. Xét về dàn nhân vật phụ, nữ tử luôn trội hơn nam nhân. Dường như có mỗi Hải Đông Thanh là thực sự tốt đẹp. Tiêu Tiếu khiến tôi vô cùng thất vọng. Tôi hiểu rằng mục đích của tác giả là muốn đẩy Minh Nguyệt Hân Nhi vào cung bên Cửu Dung, nhưng cái thù hận trên trời rơi xuống quả thực khó chấp nhận. Minh Nguyệt Hân Nhi rất tốt. Dù rằng cô bé thẳng thắn mà hay buột miệng gây họa, cô bé vẫn là người tin tưởng Cửu Dung nhất, thương nàng nhất. Sự lạc quan vui vẻ của cô bé có thể giúp người khác tạm quên nỗi buồn mà mỉm cười. Cửu Dung không có Minh Nguyệt Hân Nhi sẽ không thể bình tĩnh vượt qua nhiêu đấy chuyện. Cửu Dung về sau cô độc, Minh Nguyệt Hân Nhi cô độc với nàng. Cô bé xứng đáng có một cuộc sống tốt hơn, bình đạm bên gia đình nàng. Nhưng sau tất cả, cô bé chọn Cửu Dung. Thư Vũ giống Minh Nguyệt Hân Nhi, là người tốt, cực kỳ tốt, cánh tay phải đắc lực của Cửu Dung. Thư Vũ chỉ xuất hiện ở phần sau của truyện, vị trí của cô bé trong lòng tôi ngang bằng với Minh Nguyệt Hân Nhi. Băng Ngưng giúp Cửu Dung rất nhiều việc liên quan đến tốc độ và sự nhanh nhẹn. Nhưng tôi không thích Băng Ngưng lắm vì Tiết Hi Kiếm là người trong lòng nàng. Tôi hơi ích kỷ về việc này. Mặc dầu tình cảm sâu sắc đó đã khiến Băng Ngưng quyết tâm làm góa phụ cả đời, tôi vẫn ác cảm với tình cảm đó, xen lẫn chút thương hại. Đỗ Linh Nhược rất đáng để nhắc tới. Nàng ta xuất hiện ít ỏi, song đã đủ thể hiện một nữ nhân quyết đoán, có ý chí và không bỏ rơi người khác lúc hoạn nạn. Cái chết của nàng tới khá gấp gáp, là một trong những chi tiết tôi cho rằng chưa xử lý ổn thỏa.

Tôi thích cung đấu hơn gia đấu nên tập trung đọc kỹ hơn ở phần sau. Tác giả phân chia không đều lắm. Phần gia đấu tại Thẩm gia dài át đi phần sau. Đôi lúc còn dài dòng lê thê. Nhiều chi tiết tự dưng được dựng nên, mất đi vài phần hợp lý. Tính cách nhân vật dù có nhiều biến đổi, song khá nhất quán. Tác giả tạo ra rất nhiều tình huống khác nhau, thay đổi cuộc đời nữ chính Lãnh Cửu Dung một cách quyết liệt. Nữ chính phải chịu đựng quá nhiều sóng to gió lớn. Tạm không bàn tới việc các tình huống này dồn ép gượng gạo, cái kết là phù hợp nhất. Một chú ý nữa là Cửu Dung sau khi nhập cung, ngoài một lần về thăm Thẩm gia, nàng hoàn toàn không còn dính dáng gì nữa. Lý do chính là người Thẩm gia đã thay đổi. Điều này tách biệt rạch ròi giữa gia đấu và cung đấu trong tác phẩm này.

Đây là một tác phẩm không tệ dù vẫn có kha khá bug. Trau chuốt thêm chút nữa, nhất định sẽ thành một tác phẩm xuất sắc. Vì tôi là người hiện đại, vài ý tôi không đồng tình với Cửu Dung hay các nhân vật nữ khác trong truyện. Song, áp vào hoàn cảnh cổ đại thuần, suy nghĩ đa thê đa thiếp…..gì gì đó hợp tình hợp lý hơn.

Đọc truyện: Cửu Dung – Hoài Châm Công Chúa