Tóm Tắt Mị Nguyệt Truyện


Mị Nguyệt truyện là câu chuyện về cuộc đời Mị Nguyệt, từ công chúa nước Sở trở thành Mị Bát Tử nhà Tần, rồi thành Thái hậu quyền khuynh thiên hạ. Thủ vai Mị Nguyệt là Tôn Lệ, người có diễn xuất đặc biệt xuất sắc. Tôn Lệ hoàn toàn lột tả được từng quá trình trưởng thành của thiếu nữ Mị Nguyệt, trong sáng, sinh động, đến cao quý, trầm ổn.

Khi Hướng phu nhân hoài thai, có sao băng rơi, được coi là bá tinh, dự đoán là sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chính trị sau này. Sở Uy vương lúc đó coi trọng cái thai vô cùng, hy vọng đó là một nam tử để gánh vác giang sơn nước Sở. Ai ngờ rằng Mị Nguyệt là con gái. Bá tinh là nữ sẽ mang lại đại họa, Đường Muội Đường đại nhân phán như vậy. Mị Nguyệt bị thả trôi trên sông, nhưng đến đoạn thác dốc, nàng không chết mà mắc trên lá sen gần tượng Thiếu Tư Mệnh. Sở Uy vương cho là Thiếu Tư Mệnh hiển linh, không ép đứa bé là nàng phải chết nữa, còn ban mệnh tự là Mị Nguyệt vì trăng hôm đó rất sáng. Kể từ đó, Mị Nguyệt càng lớn càng thông minh, hiểu biết, lanh lợi đáng yêu. Sự yêu quý của Sở Uy vương và ân sủng cho Hướng phu nhân khiến Uy hậu căm ghét, hãm hại Hướng phu nhân. Hướng phu nhân chịu nhục nhã, mang thai đứa con riêng tên Ngụy Nhiễm. Bà vào cung tự đầu độc bản thân, trở thành nguyên nhân đủ nghiêm trọng để phế hậu. Tiếc rằng, Sở Uy vương hỏa lực công tâm, tức xung huyết mà chết. Mị Nguyệt cùng Quỳ cô gặp vô vàn sóng gió. Uy hậu và Mị Nhân hợp lực chia cắt nàng cùng Hoàng công tử Hoàng Hiết và đày đọa nàng. Nhờ sự giúp đỡ của Mị Xu, nàng được theo hầu làm đằng nữ sang Tần quốc, rời xa vương cung Sở quốc đầy sóng gió để bước vào trang mới cuộc đời với những gian truân mới. Trên đường đi xe chở vương hậu tương lai của Tần quốc bị bộ tộc Nghĩa Cừ đánh cướp. Mị Nguyệt vì bảo vệ Mị Xu mà mặc áo choàng giả dạng đích công chúa, dụ giặc đuổi theo. Đó là lần đầu tiên nàng gặp Nghĩa Cừ vương Địch Li. Tần vương phái Dung Nhuế và Trương Nghi thương nghị cùng Nghĩa Cừ vương, đem sáu trăm xe lương thực đổi lấy nàng. Về sau Mị Nguyệt thân bất do kỷ, bị chèn ép quá nhiều, cộng thêm tình nghĩa với Tần vương Doanh Tứ, Mị Nguyệt chấp nhận thị tẩm. Mị Nguyệt thành Mị Bát Tử, mang thai công tử Tắc, nhận được ân sủng vô vàn của hoàng đế, đồng thời tình nghĩa tỷ muội giữa nàng và Mị Xu chấm dứt. Tần vương bệnh kéo dài, thêm lao lực quá độ, tức giận kích động mà tổn hại long thể, qua đời. Mị Nguyệt, Doanh Tắc, Quỳ cô cùng Hương Nhi, Huệ Nhi bị đưa sang Yên quốc làm chất tử, vì Yên quốc bấy giờ có một Mị Nhân là quốc tướng phu nhân và một Mạnh Doanh hiểu lầm Mị Nguyệt. Nàng gặp lại Nghĩa Cừ vương và Hoàng Hiết ở đây. Hoàng Hiết thuyết phục nàng về Sở quốc. Dung Nhuế và Dịch hậu Mạnh Doanh thì khuyên nàng về Tần quốc đang nội loạn khắp nơi để lập Doanh Tắc lên ngôi. Vì lời hứa thống nhất thiên hạ với Tiên vương Doanh Tứ, Mị Nguyệt một lần nữa phụ Hoàng Hiết, chọn Tần quốc. Mị Nguyệt gặp rất nhiều rắc rối từ các vị công tử muốn tạo phản, đặc biệt là công tử Hoa, mặt khác còn có Ngụy phu nhân và Vũ hoàng hậu trong cung, cùng Huệ hậu Mị Xu đầy hận thù. Nhờ sự giúp đỡ của Nghĩa Cừ vương và người Nghĩa Cừ, Mị Nguyệt đã thành công lật ngược tình thế. Nàng cũng nhận ra tình cảm thật sự của mình. Nàng lên ngôi Thái hậu, Doanh Tắc thành Tần vương. Năm đó nàng hơn ba mươi tuổi. Bằng tài năng, Mị Nguyệt dần thu phục được lòng người và xây dựng một quốc gia hùng mạnh. Tuy nhiên, ngăn cách giữa nàng và Nghĩa Cừ quân ngày càng lớn. Kết quả đáng buồn là Nghĩa Cừ quân bị giết chết ngay trước mặt nàng. Từ đó, Mị Nguyệt lòng lạnh lẽo, tim hóa đá. Năm cuối đời, nàng gặp Ngụy Sửu Phu, một tử sĩ có khuôn mặt giống Hoàng Hiết như đúc và tài trí tương tự. Thái hậu Mị Nguyệt lui về điện Tiêu Phòng, không còn ở điện Tuyên Thất nữa. Nàng qua đời, thọ 80 tuổi.