Chương 50: Lòng Tốt Của Cây Tượng Ba

Năm 1994, tôi vẫn trụ tại căn nhà trệt một cổng, một sân. Đến tiết trung thu, thảo mộc kỳ hoa trong sân vẫn xum xuê muôn thuở.

Bước vào cổng, bên trái là phòng khách kiêm thư phòng của tôi. Cây Tượng Ba đặt cạnh cửa sổ. Trong sân có một giàn hoa, bên phải cửa sổ là bàn viết có đặt một chậu Văn Trúc thanh tú xinh đẹp.

Chiều nay, thằng con cấp trung học của tôi không đến lớp, ăn trưa xong nó đến thư phòng làm bài, viết lách. Còn tôi thi nằm trong phòng mình xem sách, đợi sư phụ Hòa thượng Diệu Pháp đến.

Hơn bốn giờ chuông cổng reo, tôi tiến ra nghênh đón hòa thượng và thầy thị giả vào thư phòng. Thằng con 16 tuổi chắp tay lễ chào sư phụ rồi tiếp tục chúi mũi vào công việc của nó.

An tọa xong, Hòa thượng Diệu Pháp hỏi con tôi:

– Chân cháu bị hôi hả?

Thằng bé đỏ mặt thưa:

– Chân con hồi 12-13 tuổi thì bắt đầu bị hôi, tẩy rửa cách gì cũng vô hiệu, cách đây nửa giờ ba con đã ra lịnh cho con mở cửa sổ để không khí được thông thoáng… Thế mà ngài vẫn còn nghe hôi ư? Thật có lỗi quá! Để con đi sang phòng bên kia!

Sư phụ ngăn lại, mỉm cười bảo:

– Thực tình là ta không có nghe hôi gì cả! Nhưng vừa rồi khi con hướng ta đảnh lễ, các cây trong nhà đều tới đảnh lễ ta, riêng chậu Văn Trúc này đã mách cho ta biết tình trạng của con, nó nói con chiều nay không có tập trung, vừa chơi vừa phóng tâm, nên viết không có được bao nhiêu! Ngoài ra nó còn than là bị mùi hôi từ chân con xông lên khiến nó muốn chết ngạt!…

Nghe Hòa thượng nói thế, con tôi kinh hãi tới trợn tròn mắt, đơ lưỡi; mặt càng đỏ hơn, nó lúng túng quay sang nhìn tôi vì sợ bị mắng.

Tôi cười thưa với sư phụ:

– Thằng bé nhà con vẫn thế đấy, lúc họp phụ huynh thầy giáo luôn bảo thấy nó ngồi trong lớp trông rất khuôn phép đường hoàng (giống như chăm chú nghe giảng lắm vậy), nhưng thử kêu nó mấy tiếng nó vẫn không nghe… Con dạy thế nào cũng không sửa. Nhưng may là thành tích học của nó tạm ổn hơn xưa. Nhưng chân nó thì cứ như ở đầu gió, tỏa “hương” bay xa đến… tám dặm! Có cách nào trị không ạ?

Lúc tôi nói Hòa thượng cứ một bề nhắm mắt, lát sau, ngài bảo:

– Cây Tượng Ba trong nhà con mới an ủi Văn Trúc, nói là nó “có cách giúp cho”. Để ta thuật lại con nghe nhé: -“Hãy dùng hai chiếc lá của nó (như thế này này) chịu khó ra công một chút… xử dụng một lần thì lành”. (Xin thứ lỗi tôi không thể kể rõ hơn, vì muốn tránh cho cây Tượng Ba không gặp nạn).



Cho dù trong “Kinh Địa Tạng” từng giảng là “hoa cỏ cây cối đều có thần thức”… nhưng khi nghe sư phụ kể chuyện thực vật có thể đối thoại, khiến tôi cảm thấy rất hiếu kỳ, thú vị… bèn hỏi:

-Thưa sư phụ, cây Tượng Ba và Văn Trúc khi nói chuyện cùng ngài, chúng mang hình thái ra sao?

– Cây Tượng Ba có hình dáng người trưởng thành, mặc y phục cổ trang màu xanh, còn Văn Trúc mang hình dáng thiếu niên, tóc trên đầu búi như các công tử thời xưa, cũng mặc áo xanh, nhưng trông thanh tú mảnh mai hơn… Hoa trong nhà con đa số mang hình dáng các cô bé, y phục diễm lệ như màu hoa. Cũng có thể đây toàn là ảo giác, chỉ là dạng truyền đạt tin tức, là điều áo diệu của thiên nhiên mà thôi. Phật nói: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”. Còn trong Tâm Kinh nói: “Sắc tức thị không không tức thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức… cũng đều như thế”. Vỉ vậy con không nên chấp tướng.

Nhưng tôi vẫn cứ chấp, và hỏi:

– Tất nhiên thực vật có thần thức, vậy khi con ngắt hai lá của nó, nó có thấy đau không?

– Có chứ, vừa rồi Tượng Ba nhờ ta chuyển lời giùm, nó cầu xin con “khi cắt hai lá nó xong thì nhớ lấy chút đất trong bồn hoa, bôi vào vết thương để cầm đau cho nó”. Còn nữa, nó nói là nó đã theo con tụng kinh học Phật, nên con đừng có dùng rượu trắng xịt rửa hay tưới tẩm gì cho nó nữa, bởi nó cũng muốn giữ giới không ầm tửu. Nó vì giúp Văn Trúc mà tình nguyện hi sinh hai chiếc lá, đây là do muốn học theo tinh thần bố thí của Phật. Vả lại, nó cũng rất muốn báo đáp ân các con, hằng ngày đã quan tâm chăm sóc, cho nên nỏ mới cam lòng chịu đau, hiến lá làm thuốc như vậy.

Tôi nghe xong rất cảm động, càng thêm tin tưởng đây là lời chính xác (Bởi vì bạn bè từng mách cho tôi biết cây Tượng Ba rất ưa rượu, họ bày tôi mỗi tuần nhớ pha chút rượu vào trong nước tưới cho Tượng Ba, như vậy nó sẽ lớn mạnh, xum xuê hơn).

Qua câu nói của sư phụ, tôi bỗng nhớ đến một bài báo viết rằng: “Hoa cũng có yêu ghét, hễ đặt cạnh loài nó ưa thích thì sẽ lớn nhanh, còn đặt cạnh loài thảo mộc nào mà nó ghét thì múc độ tăng trưởng cũng èo uột’’…

Năm ngoái có một bài báo đăng tin một Khoa học gia trong khi nghiên cứu đã phát hiện: lúc rừng cây gặp đại hỏa tai, máy dò nhịp đập (cảm thọ) của cây bị thiêu, thấy phát ra tín hiệu rất tuyệt vọng bi thương và còn nhanh chóng truyền tin hỏa tai này đến các cây khác. Nhưng lúc không có nạn cháy, máy đo cảm xúc thấy rất bình thường. Té ra thực vật cũng giống con người và động vật, cũng có thất tình lục dục.

Từ hôm đó trở đi, tôi đối với những điều Phật thuyết giảng trong Kinh Lâng Nghiêm như “dể chết làm người, người chết làm dê; thảo mộc chết làm người, người chết làm thảo mộc’’… càng tin kiên định không đổi dời, cũng hiểu được nguyên nhân vì sao Phật nói: “Chư Bồ-tát, Tỳ kheo thanh tịnh, khi đi đường chớ nên dẫm đạp cây cỏ, huống nữa là đưa tay ngắt bẻ”…

Ngay tối hôm đó, chúng tôi làm y theo cách Tượng Ba mách với Hòa thượng Diệu Pháp, thì chân con trai tôi đã hết hôi. Chuyện xảy ra trong nhà tôi đúng là giống hệt chuyện thần thoại.

Điều này khiến tôi nhớ đến các thần y như Lý Thời Trân, Tôn Tư Mạc v.v… Họ có thể hiểu được loại cây nào có dược tính gì và viết ra cuốn “Thiên Kim Phương”, “Bổn thảo cương mục”, giải rõ diệu phương lương dược, nhằm cứu giúp thế giới. Chắc hẳn họ đã có thể cùng bách thảo giao lưu, nên mới sở hữu được tầm hiểu biết cao thâm khôn lường về thảo dược mà tạo phúc cho nhân loại như thế.

Từ đó, tôi và người nhà không còn có ý làm thương hại bất kỳ loài thực vật nào, thậm chí cũng không nỡ dẫm đạp cây cỏ nhỏ bé trên đường.

Đến nay, nhân loại đã bước vào thế kỷ 21, đồng có ý thức bảo trì môi trường sinh thái quân bình, quan niệm này ngày càng phổ biến, thấm sâu vào lòng người. Nhưng tôi nhận thấy, bảo vệ môi trường hoàn hảo nhất không ai qua đức Phật, vì từng chữ từng câu Ngài dặn dò con người “phải thương yêu sinh vật hoa cỏ”… đă có từ xa xưa, nhưng bây giờ đọc lại vẫn thấy rất mới mẻ, hợp lý, tràn đầy lòng từ bi và sáng ngời trí tuệ.