Chương 34: Nạn lớn sát thân

“Mày làm cái gì đó?”

Bà ấy trợn mắt lên rồi nhìn chằm chằm vào cái hũ trên tay cô, từ từ liếc lên nhìn mặt cô. Càng lúc người bà ấy càng kỳ lạ, người liên tục chảy ra, cô thấy mặt bà ấy bắt đầu đen lại, nói thật lúc đó trời không sáng lắm, một phần do đêm khuya không trăng, với lại cách khá xa đèn treo quanh nhà nên chỉ thấy mờ mờ mà thôi, nhưng cô lại thấy mắt bà ấy phát sáng ra trong đêm. Cô từ từ lếch ngược lại ra phía sau, tay vẫn cầm chắc cái hũ trên tay. Cô nhìn thấy được sự tức giận của bà, nhưng cô vẫn cảm nhận được sự sợ hãi của bà ấy, cô biết, đây có lẽ là nhược điểm của bà, biết bản thân mình không còn đường lui nữa nên cô sẽ tìm cách phá hủy nó, cô thấy bà ấy đứng cách cô tầm mười bước chân, trong lòng liền dấy lên cảm giác rằng mình sẽ đủ thời gian để phá hủy nó. Thế là cô đứng lên ngay, quay người bỏ chạy, tay ôm chặt cái bình. Cô không dám đập nó, sợ ảnh hưởng tới tiểu thư Hoàng Hoa bởi cô cảm nhận được thứ trong cái hũ này là một phần của cô ấy. Bà ấy không chần chừ mà đuổi theo cô, tức giận như muốn nuốt sống cô vậy. Thấy vậy, cô liền run run đôi môi nói:

“Tiểu thư Hoàng Hoa, tôi phải làm sao đây?”

“Hoài Thục à?”

Cô nghe thấy một giọng nói vang lên bên tai cô, cô liền mở mắt to ra ngạc nhiên.

“Tiểu thư Hoàng Hoa!”

Cô vừa gọi thì chợt thấy vai mình đau nhói, cô té nhào xuống đất, cái hũ vẫn được ôm chặt trên tay. Cô té uỵt xuống rồi nhăn nhúm đôi mắt lại, hít hà một cái rồi mở mắt ra thì thấy bà Dung tiến lại, tay bà ấy đầy nhớt giơ ra. Cô liền biết bà ấy nhất định muốn gϊếŧ cô, trong khoảng khắc ấy cô chợt nhìn thấy gương của tiểu thư Hoàng Hoa lướt qua, hiện hữu phía trên đầu bà Dung. Cô ấy nhíu mày, mắt liền chảy ra một dòng máu đỏ, cô ấy nói:

“Đập bỏ nó đi! Mau lên! Tôi chỉ giữ bà ấy được một chút!”

Bà Dung lập tức gào lên:

“Không…. Không!”

Vừa nghe như thế cô đã ráng bò dậy, thấy máu trên người rơi lạch tạch xuống nền, cô thấy bên vai bà Dung mọc ra hai cái gai dài, cô liền biết bà ấy dùng gai đâm cô. Lúc ấy tựa hồ vai cô như muốn gãy ra làm đôi, cô giơ cao cái hũ mà không có chút sức lực. Lúc sau mồ hôi nhễ nhại trên trán, cô cắn môi cố nâng nó lên.

“Không!”

Một tiếng xoảng vang lên và một tiếng hét vang vọng trong không trung. Cô liền cảm thấy một bên vai còn lại bị nhối lên một cái thật mạnh, quay lại nhìn thì thấy bà Dung đã hoàn toàn hóa thành một con cá trê to. Cô ngã quỵ xuống, lúc ấy chẳng còn đứng dậy nổi, cô chỉ thấy bà ấy với hình dạng của một con cá liền lao đầu xuống giếng, ở gần đó có một cái giếng to, cô chỉ có thể lim dim nhìn, cái hũ đó phát ra một mùi hôi nồng nặc tanh ôi, cô ngửi mà muốn mửa ngay tại chỗ, nhưng bây giờ cảm giác đau đớn khiến đầu óc cô mụ mị không còn sức lực. Cô lờ mờ nhìn lên bầu trời, nghĩ nếu bây giờ mà chết thì có phải sẽ hết đau không, cô lim dim nhìn lên, bầu trời không có lấy một vì sao nào cả, nghĩ rằng đến chết bầu trời cũng không được đẹp. Rồi cô thấy tiểu thư Hoàng Hoa nhìn mình, chợt cô ấy nhíu mày tỏ vẻ lo lắng, nhưng rồi cô ấy không giúp gì cho cô được, chỉ khóc mà thôi. Cô mỉm cười cái rồi quay mặt qua bên kia, thấy bên mấy mảnh vỡ ấy có một cục gì đó đen đen, vài ba miếng vải và một nhúm bùi nhùi. Cô liền nhắm mắt lại không còn biết gì nữa, chết thì chết, sống kiếp này vất vả thật đó, chỉ mong kiếp sau đỡ vất vả hơn. Cô nằm đó chờ chết, máu đã loang ra mấy vết lõm của những ô gạch, chảy ướt cả lưng, cô nhắm mắt lại mê man. Bà ấy đâm một phát hai vết vào người, nếu sống thì cũng tàn phế mà thôi, càng nghĩ càng thấy sống không có ý nghĩa. Rồi nước mắt cô chảy ra, cô nhớ đến mẹ kế ở nhà, nhớ thằng Cò, nhớ hôm nào cô còn hứa sẽ về thăm nó, không biết hai mẹ con sống thế nào rồi. Cô khóc nhưng lại không thể phát ra tiếng, cô nhớ đến gương mặt nó, giọng nói của nó, rồi cả cảnh tượng lúc còn ở nhà. Cô mếu máo, trách sao bản thân mình còn chưa chết, sống dở chết dở thế này càng thấy thống khổ hơn. Lúc lâu sau máu ra càng lúc càng nhiều, cô cảm giác đã đến lúc rồi, hình như người lạnh đi, máu chảy sắp hết rồi. Lúc sau đầu óc đã bắt đầu mơ màng, cô thấy một ảo giác, rằng cô đi lạc vào một nơi nào đó toàn tre thôi, nhưng xung quanh rất nhiều sương mù, cô thấy một người, một người nam nhân, đứng quay lưng lại với cô, dáng người thanh mảnh, lại rất phóng khoáng nhẹ nhàng. Cô liền tiến lại gần, chẳng hiểu sao nhìn người đó rất quen. Càng đi lại càng thấy rõ hơn, rồi chợt người đó quay mặt lại mỉm cười nói:

“Thức dậy đi nương tử!”

Nói rồi cũng là lúc mắt cô mở to ra trừng trừng, cô nhìn thẳng lên trên, thấy cái trần nhà quen thuộc, chợt quay mặt qua nhìn, thấy bà Hậu nhìn cô, bên cạnh có A Tỳ đứng nấp vào rèm khóc lóc. Nhưng mà tai cô lại không nghe thấy được gì, chỉ cảm thấy rất âm u, chẳng nghe thấy mọi người nói gì cả, cũng không nghe thấy bất kỳ âm thanh gì, thấy mọi người nhìn cô bất ngờ, còn vui sướиɠ nhảy cẫng lên. Cô giờ không khác gì người tàn phế, không động đậy được cũng không nghe được, nên không biết họ nói gì cả, cô nhắm mắt lại rồi rơi thái vào trạng mê man. Từ hôm đó người nhà họ Hoàng dấy lên bao nhiêu là tin đồn, họ bảo bà Dung không cánh mà bay, rồi thiếu phu nhân Hoài Thục nằm trên một vũng máu to nên đi gọi thầy lang; họ còn tìm thấy một bộ y phục nằm trên đó và bên cạnh là một hũ gì đó đã vỡ toan, lại gần mà toàn phải bịt mũi lại, họ cũng mang cô vào nhà.

Sáng hôm đó bất ngờ bà Hậu cũng quay về, nhìn bà về đợt này có vẻ khác với lúc bà đi đợt trước, bà gầy đi, hốc mắt trũng sâu, nhưng không ai nói gì, bà ấy tự tìm đến Hoài Thục luôn. Lúc bà ấy vào, thầy lang vẫn đang đau đầu với vết thương, thầy nói cho mọi người nghe thiếu phu nhân họ bị thương nặng, máu không cầm được, mà sau này nếu có may chữa khỏi sợ là sẽ bị tàn phế hai tay. Bà Hoàng ngồi trong phòng nhấp môi nhẹ tách trà, im lặng không nói gì. Bà Hậu quay qua nhìn cô, nhíu mày, thở dài một cái, khi thầy lang về bà có ra lệnh đuổi hết người ra, A Tỳ khóc lên khóc xuống, lúc nó tỉnh dậy cũng nghe người ta nói mang thiếu phu nhân về thì phát hiện ra nó nằm giữa nhà luôn, mà may cho nó không sao, thiếu phu nhân lại bị ai đâm cho hai nhát vào vai, mạng lớn thế nào máu chảy thế mà vẫn còn sống. Bà Hậu nghe gia nô nói lại hết đầu đuôi câu chuyện, bà cũng đã cầm máu lại cho cô rồi, nhưng bà lại không thể giúp cô tỉnh lại, vết thương này lớn, sâu và nguy hiểm, nếu không tìm được thuốc tốt e rằng như lời ông thầy lang nói, tàn phế suốt cuộc đời. Bà Hậu nhìn cô thêm cái nữa rồi quay ra, bà được bà Hoàng gọi qua, nhìn bà Hoàng một cái rồi chào lễ phép. Bà Hoàng liền nhấp trà hỏi:

“Sao rồi? Nó đã tỉnh chưa?”

Bà Hoàng hỏi tỉnh bơ, bà Hậu liền cung kính đáp.

“Dạ thưa, chưa ạ.”

Bà Hoàng nhìn bà Hậu mỉm cười nói:

“Chỗ chị em, em dạ thưa làm gì?”

Bà Hậu liền mỉm cười đứng thẳng dậy, nhìn bà Hoàng rồi nói:

“Chị à? Chị vẫn nghe theo bà Dung làm chuyện đó sao?”

Bà Hoàng quay qua nhìn bà Hậu rồi nói:

“Hậu à? Chị đã nói rồi! Chuyện này không liên quan đến em!”

Nói rồi bà Hoàng phẩy tay.

“Em quay về đi! Ta muốn nghỉ ngơi!”

Bà Hậu liền gật đầu nhẹ, khẽ đáp:

“Em đi đây, mong chị sẽ bảo vệ tốt thân thể mình. Thấy nhà xảy ra chuyện lớn em lo lắm đó!”

Bà Hậu nói như ghìm lại giọng mình, bà Hoàng cười nhếch mép, chợt nghĩ thầm.

“Hậu à, mày còn hi vọng sẽ cứu được chị mày à? Mày đừng có vọng tưởng, không có bà Dung, tao vẫn có thể tìm người khác!”

Bà Hậu quay người đi ra, mặt bà ấy xanh lại, dẫu biết rằng người trong kia không phải chị gái mình, nhưng thân xác ấy là của chị gái mình. Bà không làm được gì, cả Hoài Thục cũng bị thương, bà tức tối rời đi, mấy hôm ở nhà vυ" Nụ tụng kinh cầu siêu cho Kim Nhã và tiểu thư chết đuối kia, bà không thể quay về được. Lúc Hoài Thục đi, bà thấy có cậu đi theo nên yên tâm đôi phần, nhưng đến bảy ngày đầu của Kim Nhã, bắt buộc cậu phải về để lên núi lấy cốt trong hang và làm mộ mới, như vậy Kim Nhã mới yên tâm đi đầu thai. Nhà không có ai làm thay vì toàn trẻ con, bà vυ" lại già rồi, nhờ người ngoài lại rắc rối, ai ngờ cậu vừa về bà cũng vội đi, thế mà còn không kịp. Nghĩ vậy mà bà tức không chịu được.

Tối đó lúc lên bàn cơm, bà có nói khéo cho mọi người biết bây giờ tình trạng Hoài Thục thật sự không ổn, nếu như ai có thuốc tốt hãy bỏ ra, bà sẽ kê đơn cho cô, còn ai quen được người trong cung thì giúp liên lạc mua thuốc, biết đó là có tội, nhưng vẫn mong cứu được cô. Nhưng bà vừa nói xong, cả nhà ai nấy đều im lặng, bà nhìn thôi đã thấy bọn họ không có lòng muốn giúp rồi. Bà thở dài cái, cả bà Hoàng cũng không có động thái gì, bà Hậu lại không nói thêm nữa. Lúc đó nhìn ai cũng bỏ ngoài tai lời của bà, bà đi ra ngoài mà thở dài, A Tỳ đứng nấp ngoài kia chợt đi theo bà, nó mếu máo nói:

“Bà Hậu à, thiếu phu nhân nhà con sẽ không tỉnh lại nữa thật sao?”

“A Tỳ à, thật ra…”

Bà khó nói nhìn nó rơi nước mắt lã chã, bà mỉm cười gượng gạo.

“Bà Hậu đừng hỏi người trong nhà, ai cũng không ưa thiếu phu nhân, họ không giúp gì được đâu.”

“Họ không muốn giúp thì có!”

Nói rồi bà lại thở dài, A Tỳ liền gật đầu. Chiều hôm ấy bà Hậu hết cách phải dùng biện pháp mạnh, bảo với bà Hoàng lục lọi hết phòng của các phu nhân, xem có ai giấu thuốc đi không, bọn họ ai nấy nghe xong đều nhếch mép lên cười khinh bỉ.

“Chỉ là một con bần hèn thôi mà, có cần làm quá vậy lên không bà Hậu?”

Bà nhìn qua bọn họ, cười khinh.

“Vì có những người thấy chết không cứu, ai chẳng biết các người chuyên mua thuốc quý cất giữ cho riêng mình, bây giờ tình trạng gấp rút coi như là tôi mượn, còn nếu không cho mượn, tôi đành phải bắt ép thôi. Các người giữ lấy để làm gì kia chứ?”

“Tôi ư? Lạ nha, tôi làm gì có mà giấu?”

Nói rồi bà ấy liếc qua một bên, bà Hậu nói:

“Lục soát hết cho ta! Bà Hoàng à, bà không có ý kiến gì chứ?”

Bà Hoàng điềm tĩnh trả lời:

“Em muốn làm gì thì làm!”

Bà Hậu cúi đầu rồi nói:

“Dù sao thì nó cũng là thiếu phu nhân nhà họ Hoàng, nếu chết vì lý do không có thuốc chữa trị, há chẳng phải là khiến người ta cười chê?”

Nói xong bà Hậu liếc qua nhìn bà Hoàng, bà Hoàng liền nhếch mép lên rồi để chén trà lên bàn.

“Ai có thuốc mau đem ra hết đây! Đừng để tôi phải lục lọi phòng!”

Vừa nói xong người trong nhà liền xanh mặt xanh mũi, bọn họ nhanh chân đi về phòng. Lúc đang luống cuống đi, bà Lệ Hoa chợt kéo con nô tỳ bên cạnh hỏi gấp:

“Mày đã hủy hết thuốc chưa?”

“Dạ, hết rồi ạ.”

Nói rồi bà Lệ Hoa mỉm cười hài lòng nói:

“Mày hủy ở đâu?”

Nó liền nói:

“Dạ, đổ hết xuống giếng rồi ạ.”

Nói rồi bà Lệ Hoa càng cười tươi hơn, bà ấy bảo:

“Thế thông báo cho tất cả phu nhân khác chưa? Họ đã hủy hết chưa?”

“Dạ, lát con sang đó hỏi, mà phu nhân à, con có nghe con A Tỳ nói với bà Hậu là mấy vị phu nhân ganh ghét với thiếu phu nhân, muốn thiếu phu nhân chết, nên hôm nay bà Hậu mới lục tung lên đó ạ.”

Nói xong bà Lệ Hoa chợt dừng chân lại, bà ấy trầm ngâm một hồi rồi nói

“Con đó nói hơi nhiều rồi đó!”

Nói xong bà liền quay về phòng, lát sau liền có gia nô vào tìm, bà Lệ Hoa mặc cho chúng nó lục vì bà đã bỏ thuốc đi hết rồi. Lúc sau có con nô tì lén lén lút lút đi ra sau nhà, nó lén lút nhìn quanh, ôm một gói vải to to rồi đổ hết xuống giếng, vừa đổ vừa nhìn ra sau. Đột nhiên nó cảm thấy bàn tay nó lạnh lạnh, nhớt nhớt, nó quay lại nhìn thì từ dưới giếng có cái gì đó nắm lấy nó kéo xuống. Nó hét lên một tiếng rồi im bặt, sau đó không còn động tĩnh gì, chỉ thấy dưới nước sục lên một màu đỏ thẫm.

Lúc lâu sau khi đã lục soát hết tất cả phòng của các phu nhân mà chỉ tìm thấy một ít nhân sâm, một ít thuốc quý, bà Hậu gói hết lại rồi quay về, kê đơn sắc thuốc cho cô, cho A Tỳ đút cô uống. Bà nhìn một lát rồi cũng lắc đầu đi ra, tình hình không khả quan mấy. Bà đi ra nhìn vào gốc cây trước phòng, chợt cảm thấy ở đó có một nguồn âm khí tỏa ra, bà lại nhớ tới mấy lời của gia nô hay đồn với nhau rằng bà Dung tự nhiên biến mất, chỉ còn lại một bộ y phục, cạnh đó còn có một hũ lạ chứa mấy thứ hôi thối. Bà liền quay vào hỏi A Tỳ, nó ngẩng mặt lên rồi nói:

“Con không nhớ kỹ lắm, nhưng con thấy tóc, vải, rồi một cái gì đó như cái phổi… heo ấy. Nhưng chỉ còn một lá mà thôi!”

“Phổi?”

Bà Hậu trợn mắt lên, nhíu mày cái rồi suy nghĩ, có lẽ nào như lời đồn của các cụ ngày xưa? Đây là một trong những thuật luyện thành tinh của một số con vật có linh tính, muốn sống cuộc sống của con người, như cá muốn thở trên cạn sẽ phải ăn phổi của người. Bà nghĩ tới đó mà lạnh cả xương sống, chợt quay qua nhìn bên cái nóc nhà, cảm thấy có ai đó đang nhìn mình nên bà nhìn lên, chỉ thấy một con quạ đen bay đi. Bà không để ý mấy và quay lại suy nghĩ ban đầu, bà Dung không phải người, chuyện này bà biết chứ, còn chuyện bà ấy là con gì hay như thế nào thì bà chưa rõ. Hôm nay bà nghe A Tỳ nói mà ngỡ ngàng, vậy ra bà hiểu cái chuyện Hoài Thục bị thương không phải là tình cờ mà đó là cả một sự thật khủng khϊếp phía sau. Bà liền cảm thấy ra đã phát hiện gì đó, bà nhớ đến vết thương của cô nên lắp bắp nói:

“Cá trê? Gai cá trê…”

Bà nhận ra mà bất ngờ, quay mặt lại nhìn cô nằm trên giường. Bà thở cái gấp gáp, bảo A Tỳ:

“Nấu nước sôi mang vào đây, mau lên!”

A Tỳ nghe vậy vâng lời đi ra sau, bà ngồi đó lật người cô lại, kéo áo cô xuống, vết thương sâu hoắm hiện ra, máu vẫn ẩm ướt chưa khô được. Bà sờ vào rồi thất thần nói:

“Nhớt?”

Bà vừa nói xong liền chặc lưỡi, đỡ cô xuống. Không thể để tình trạng này xảy ra nữa, bà liền bí mật bảo A Tỳ đi ra ngoài tìm người mua thuốc, bà dúi cho nó rất nhiều tiền, kêu nó tránh mặt người nhà họ Hoàng đi mau. Chẳng hiểu nó tìm kiểu gì, chiều ngày hôm đó chợt có ông Từ bên thôn cạnh qua thăm, còn đích thân tặng rất nhiều thuốc quý. Ông ấy bảo có quen biết thiếu phu nhân Hoài Thục, biết thiếu phu nhân đây bị thương nặng ông ấy liền gom hết thuốc quý qua tặng, khiến mấy bà phu nhân hết hồn, con bần nông như Hoài Thục sao lại quen được người như ông Từ đây. Nhưng bà Hậu không quan tâm, chỉ nhận thuốc rồi kiểm tra, đúng là thuốc quý. Lúc ông Từ vào thăm cô, ông ấy còn dặn dò kỹ:

“Tôi có quen một số ngự y trong cung, tôi chỉ có thể giúp thiếu phu nhân ấy một ít. Tôi cũng đã mời ngự y trên ấy về nhưng phải mất mấy ngày đường người của tôi mới đến, mong sẽ kịp về đây.”

Thấy ông Từ nói chân thành, bà Hậu nhìn ông ấy thắc mắc:

“Mạn phép xin hỏi, ông Từ đây quen thế nào với Hoài Thục vậy?”

Ông ấy im lặng một chút rồi trầm tĩnh nói:

“Thật ra… à… Từ Ân con trai tôi là bạn của thiếu phu nhân đây.”

Bà Hậu tạm tin lời nói đó, rồi bà hỏi:

“Vậy có phải con A Tỳ qua đó tìm không? Nó là nô tì của cô ấy.”

Ông ấy chợt nhíu mày hỏi:

“Nô tì? Không có nô tì nào qua tìm cả, chỉ là… tôi nghe tin nên qua thôi! Trời đã sắp tối rồi, tôi phải quay về thôi. Xin phép cáo lui, tôi sẽ cho người qua hỏi thăm sau vì nhà họ Hoàng thật sự là nơi khó có thể qua lại.”

Nói rồi ông Từ đi ra ngoài. Khi ông ra xe, bà Hoàng có ra tiễn khách, ông Từ leo lên xe mà còn nhớ tới lúc nãy thì tự nhiên lại có một con quạ đáp xuống sân ông. Nó còn nói liên tiếp trước mặt ông:

“Hoài Thục gặp nạn, ông muốn trả ơn thì nhanh lên đi! Có bao nhiêu thuốc đem hết qua đó! Nhanh đi ông già! Đừng có quên ơn của cô ấy đấy!”

Ông nghe xong nó cũng bay đi mất. Còn chưa tin được vào tai mình, ông lật đật vào nhà gom thuốc, thay y phục rồi đánh xe ngựa đi ngay. Không ngờ lại là thật, nghĩ tới thôi cũng thấy thật lạ kỳ.

Mấy bà phu nhân bà nào bà nấy mặt nhăn mày nhó khó chịu bỏ vào trong, bà Lệ Hoa đi mà chân giậm thình thịch xuống đất.

Tiểu thư Ánh Dương thon thả đi vào phòng, chợt đóng cửa lại rồi quay mặt nhìn phía sau. Tiểu thư ấy liền thay đổi sắc diện, lạnh lùng nói:

“Con A Tỳ sao rồi? Tại sao bắt nó lại mà vẫn có người tới cho thuốc?”

Một con a hoàn liền bí hiểm nói nhỏ:

“Dạ, em đã bắt nhốt rồi đánh nó một trận rồi, đảm bảo sống không nổi, chết cũng không xong!”

“Vậy thì tốt! Để xem còn ai ra ngoài giúp đỡ nữa, may thì may lần này thôi!”

——————————————–