Chương 1: Bát Lang Hoàng Tử

Quốc tộ như đằng lạc

Nam thiên lý thái bình

Vô vi nơi điện các

Xứ xứ tức đao binh

Quốc tộ

Đỗ Pháp Thuận

Tổ thiền đời thứ mười thiền phái Diệt Hỉ

Đại Cồ Việt

Năm Thuận Thiên thứ mười chín ( 1028 )

Cửa Hà Khẩu

Phía đông thành Thăng Long.

Thanh minh.

- Hạ buồm

Ngự thuyền hai mươi tư tay chèo từ từ rẽ sóng chậm lại xuôi dòng trên sông Nhị Hà tiến về bến phía đông kinh đô Thăng Long, mũi dần hướng chéo về hữu ngạn sông chỗ cửa Hà Khẩu, ba cánh buồm lớn theo hiệu lệnh của trưởng hiệu, trưởng kỳ được hạ xuống. Cả con thuyền chầm chậm trôi hướng vào cửa thủy môn, đoàn thuyền tùy tùng với năm chiếc thuyền đi sau cũng rẽ vào cập các bến phía đông kinh thành từ Đông Bộ Đầu Hòe Nhai xuống Phúc Lâm Hàng Đậu.

Đã mười tám năm kể từ ngày đương kim Thánh thượng ban Chiếu Dời Đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Mười tám năm thành mang cái tên mới Thăng Long, mười tám năm Hoàng đế cùng triều thần đắc cái thế long bàn hổ cứ để tính chuyện tế thế kinh bang. Mười tám năm, Kinh đô mới cũng đưa vị thế của Đại Cồ Việt lên một tầm vóc mới, rất mới. Mười tám năm, bên ngoài thì bình Chiêm, chống Đại Lý, so tài với nhà Tống ngay tại trại Như Hồng, bên trong thì an ổn bốn bề, từ khê động đến hải đảo, nơi quan yếu đều có sự đồng lòng giúp sức của những thủ lĩnh địa phương can trường và trung thành hết mực. Và điều quan trọng nhất là con dân thì được miễn thuế giảm tô, đời sống bình an sung túc.

Đô thành vạn thế đế vương được lựa chọn và kiến thiết với cái thế nằm gọn trong sông và gối đầu lên núi, vừa thuận tiện việc binh bị lại vừa hợp lý cho việc giao thương muôn nẻo. Các bức tường thành chia Thăng Long thành ba phần là kinh thành, hoàng thành và cấm thành. La thành là vòng thành ngoài cùng, kiến thiết trên nền của Tô Lịch Giang Thành từ thời Lý Bí Lý Nam Đế, rồi thành Tống Bình và tới thành Đại La cũ. La thành vừa là thành, vừa là đê, nằm gọn trong dòng chảy của ba con sông là sông Nhị Hà, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Ba con sông tạo thành chiến hào tự nhiên bao bọc kinh đô. Tường thành dài hai ngàn trượng với mười lăm cửa thành và sáu cửa cống để tiện voi ngựa lẫn thuyền bè đi lại. Trên thành bố trí năm mươi lăm lầu vọng địch có hỏa dược và đuốc mồi để lên lửa hiệu liên hoàn mỗi khi có biến. Các cửa thành đều thông thẳng đường cái đến khu hoàng thành.

Hoàng thành là vòng thành thứ hai ngăn cách khu vực triều đình với khu thị dân. Hoàng thành mỗi mặt chiều dài đến hai mươi trượng, có bốn cửa thông ra bốn phía nam bắc đông tây xây theo lối vọng lâu trên lâu dưới thành. Khu thị dân giữa hoàng thành và la thành gọi là kinh thành. Kinh thành Thăng Long có sáu mươi mốt phường là nơi ăn ở, sản xuất và buôn bán của thị dân. Đó là sáu mươi mốt ô đất vuông tập hợp các hộ dân cư cùng làm một nghề thành một đơn vị hành chính, và các phường được ngăn cách bởi lối đi gọi là phố, dân cư các phường tổ chức buôn bán trên các phố đó. Nguyên là đất này từ xưa dân cư các hộ thường tụ tập sinh sống thành các ô vuông ở giữa có đường thông để tiện buôn bán, các quan đô hộ phủ biên chữ phương để gọi các ô đó thành một đơn vị, rồi các đời sau giành độc lập thì vẫn biên trong giấy tờ như vậy nhưng đọc chệch đi thành phường để đỡ lẫn với từ phương hướng. Và ngăn cách giữa các phường là các con phố. Thành ra ở phía đông kinh thành có nguyên một khu gọi là Ba Mươi Sáu Phố, hầu hết các phố có tên bắt đầu bằng chữ hàng, từ Hàng Nhôm, Hàng Thiếc, Hàng Cót đến Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Đường. Người dân thì vẫn quen gọi nôm là các phường, các phố và gọi các cửa thành để đi vào các phường đó là các cửa ô, còn các cửa nước thì gọi là các cửa cống.

Và phần cốt lõi của hoàng thành chính là cấm thành, nơi ở của vua và hoàng thất, cũng là nơi thiết triều của trăm quan nghị sự.

Mười lăm cửa ô và sáu cửa cống của thành Thăng Long thì có đến mười cửa ô và hai cửa cống là đặt ở bến phía đông vì đó là bến chính với dòng Nhị Hà là con đường thủy lớn nhất qua kinh đô, cộng thêm cả cả một hệ thống sông ngòi, đầm hồ còn ăn vào sâu trong kinh thành qua các cửa cống đến tận mặt phía tây của hoàng thành để tạo thành một mạng lưới vừa giao thông thuyền bè, vừa canh nông thủy lợi thuận tiện.

Các cửa ô của Thăng Long và các lâu vọng địch trên thành đều có lính canh phòng cẩn mật luân phiên đêm ngày. Mười hai bến ở phía đông thành tạo thành một bến thuyền liên hoàn hữu ngạn Nhị Hà bán buôn đông đúc, trên bến dưới thuyền với tàu bè, hàng quán đậu san sát dọc bờ sông vào đến sát tường thành. Bình thường tàu thuyền tới Thăng Long sẽ cập bến tại một trong mười bến tương ứng với mười của ô đông thành rồi vào cửa làm thủ tục giấy tờ và nhập thành bằng đường bộ, chỉ có những thuyền có chiếu thông quan từ trước mới được đưa cả thuyền vào cửa thành qua cửa cống để vận chuyển hàng cho hoàng thành. Nhưng hôm nay không phải là một ngày bình thường và con thuyền đó cũng không phải là con thuyền bình thường.

Năm chiếc thuyền hậu đều đã cập các bến để nhập thành bằng đường bộ, chiếc thuyền ngự lớn thì đánh lái chĩa thẳng mũi thuyền vào cửa Hà Khẩu và neo lại. Con thuyền ngự sơn son thϊếp vàng bọc đồng ở phần mũi, bám theo thành thuyền xuống tận đuôi thuyền. Trên mũi thuyền hai bên đều khắc hình Ma Kiệt Thần Long uốn lượn, vươn đầu dọc theo đường cong của mũi thuyền hướng lên trên. Chính giữa mũi thuyền có khắc hoa sen tám cánh dát vàng óng ánh. Người Nam vốn thạo nghề đóng thuyền đi biển và từ xa xưa, có hai việc rất có ý nghĩa đối với họ từ khi đó là xăm mực lên mình và sơn khắc lên thuyền. Họ tin những loài dị thú cũng như những kẻ bất lương trên mặt nước nhìn thấy những hình thù kỳ dị đó sẽ e sợ và sẽ tránh được chuyện không hay. Và đặc biệt họ tin nếu ai đó lỡ hy sinh trong bể rộng khi bão bùng trôi dạt hay ngã xuống xa trường nơi gió cát, những phần còn lại của thân thể cũng như tài sản của mình, những di vật của mình có thể được nhận biết và gửi lại quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn. Sau dần những hình tượng được trang trí lên thân tàu trở thành một loại phù hiệu riêng để báo hiệu chủ tàu là ai, tàu của gia tộc nào, của viện, của phủ nào. Và ngự thuyền có hiệu tượng Ma Kiệt Thần Long thì chủ tàu không ai khác, chính là hoàng gia Đại Cồ Việt.

Trên mũi thuyền cắm ba lá cờ hiệu, một lá cờ vuông có đuôi hai màu đen trắng là cờ tang, một lá cờ vàng hình tam giác có thêu Ma Kiệt Thần Long với một lá cờ ngũ sắc ở giữa là sắc hoàng kim có chữ Lý được thêu màu đen. Ở thềm mũi thuyền gần ba lá cờ hiệu có bóng hai người thiếu niên đứng cạnh nhau ngước nhìn lên thành. Người đứng bên trái tầm tuổi đôi mươi, mặt đẹp như tạc tượng, mắt sáng như sao sa, mũi cao trán rộng, dáng điệu tĩnh tại, khoan thai. Thiếu niên khoác áo choàng dài màu xám bên ngoài, áo lụa viên lĩnh màu hoàng kim bên trong có thêu chìm Ma Kiệt Thần Long xếp thành hình chữ thọ, trên đầu đội khăn xếp có thắt lét vàng, búi truy kế cài trâm bằng vàng, trên khăn xếp cài một cái bút, chân đi hài đen mũi thêu hoa sen, một tay chắp sau lưng, một tay kia cầm quạt phe phẩy phong thái rất ung dung nhưng tề chỉnh. Người thiếu niên còn lại cũng chạc mười bốn mười lăm, mặt mũi khôi ngô tuấn tú, mắt phụng mày ngài, buộc dải băng nâu quanh đầu và búi tóc, mặc giao lĩnh ngắn màu tía, quần nâu thô, cách ăn vận gọn gàng bó cổ tay theo lối con nhà võ.

- Bẩm hoàng tử, đã tới Hà Khẩu, thuyền chuẩn bị nhập thành.

Chàng trai áo tía chắp tay cúi đầu về phía người kia nói. Người áo choàng xám nhẹ gật đầu đáp :

- Mới giờ Mùi mà trời đất đã tối đen kịt như đêm thế này. Đạo Thành, chú báo đoàn mau chóng chuẩn bị sẵn khi nhập thành hạ bến là ta xuống luôn cho kịp giờ nhé.

- Tuân lệnh.



- Chú xuống thuyền mời thày lên luôn. Người áo vàng nói.

- Rõ. Thưa hoàng tử.

Người thiếu niên tên Thành cúi chào rồi bước xuống đi dọc mạn thuyền với hai bên lính hầu tả hữu, thì thầm gì đó rồi tiến thẳng xuống khoang thuyền phía sau.

Trưởng kỳ vẫy cờ, trưởng hiệu đến bên loa đồng hô lớn : "Thuyền Bát Lang Hoàng tử nhập thành". Lính canh trên lâu thành vẫy cờ xanh, một lúc sau, cửa cống được chầm chậm mở lên.

Con thuyền lớn nhổ neo dần dần tiến qua Hà Khẩu vào sông Tô Lịch. Thuyền của hoàng gia thường có khắc hình Ma Kiệt Thần Long trên mạn thuyền làm hiệu. Ma Kiệt Thần Long trong kinh điển nhà phật là Vua của loài thủy tộc, là thú nuôi của bồ tát và là vật cưỡi của thần biển nên được chọn làm biểu tượng của hoàng gia. Loài thần long của nhà Lý có vòi có ngà, cả phần đầu tạo dáng như một chiếc lá bồ đề, thân uốn mười hai khúc, bờm râu uốn lượn theo mây, mũi miệng uốn lượn theo sóng, miệng rộng ngậm ngọc, chân dài đạp mây. Những tài vật của hoàng gia thường được khắc thêm phù hiệu Thần Long để phân biệt, các tài vật của hoàng thân quốc thích thì dùng tượng rồng ba ngón chân, còn riêng Hoàng đế thì rồng phải có năm ngón.

Thuyền chầm chậm trôi trên con sông Tô, hai bên bờ sông thuyền ghe đậu san sát. Người người đội nón lá, nhấp nhô vận chuyển hàng hóa lên đôi bờ. Những người dân trên bờ dưới búa thấy thiếu niên áo choàng xám đứng trên thuyền đều lặng lẽ cởi nón, cúi chào gật đầu một cái, thiếu niên cũng chắp tay đáp lễ mọi người. Trên bến dưới thuyền ai ai cũng tất bật với công việc của họ nhưng không ai quên việc hành lễ. Tuy nhiên, hôm nay có một điều khác lạ so với ngày thường, mọi người đều mặc áo áo nâu, áo đen, áo ghi và tối màu, là màu sắc của áo cửa Thiền, không mặc đồ sặc sỡ, cũng ko cười nói rôm rả. Tất cả họ, trên mặt đều bộc lộ vẻ tiếc thương vì hôm nay là đại tang của đương kim Thánh thượng, chính là cha của thiếu niên áo choàng xám. Dưới triều đại của nhà vua, ngài đốt giếng lưới, bãi ngục tụng, ân xá miễn thuế, xây dựng chùa quán, quốc thái dân an. Các Hoàng tử, con nhà quan tướng đều được dạy võ thuật từ nhỏ, và được sống hòa lẫn với thị dân kinh thành. Tới cả đông cung Long Đức của thái tử cũng được xây ngay sát khu dân cư phía đông và có chuông đồng đặt ở cổng để bá tánh ai có oan ức thì lên đánh chuông kêu cầu. Những hoàng tử hay thậm chí là nhà vua cũng thường tham gia vào những buổi Tùng lâm nghị luận, những lễ hội đấu vật, đấu võ, hội thao, đua thuyền công khai nên dân trong thành ai cũng biết mặt. Khi nhà vua lâm chung, bá tánh cũng vì ân đức của ngài mà dành sự chia sẻ với hoàng gia cũng như luyến tiếc một thời đại thái bình thịnh trị. Thêm nữa, họ cũng không giấu nổi nỗi băn khoăn liệu triều đại mới sẽ thay đổi ra sao, những ngày tháng tiếp theo sẽ thế nào.

Người thiếu niên đứng trên mũi thuyền mặc áo choàng xám chính là hoàng tử thứ tám của đương kim Thánh thượng tên là Lý Nhật Quang, hiệu là Bát lang hoàng tử. Ngài tuy trẻ tuổi mà từ lâu đã nổi tiếng thông minh, văn võ kiêm toàn. Người ta đồn đại hoàng tử tám tuổi biết làm thơ, mười tuổi thông kinh sử lại kiêm tài Y dược, thông thuộc y lý. Từ nhỏ, hoàng tử đã theo học tam giáo cửu lưu cùng võ thuật khí tông của thiền sư Huệ Sinh của thiền phái Diệt Hỉ, tông phái lớn mạnh nhất Đại Cồ Việt thời bấy giờ. Trước đó một ngày, khi đang tu học tại phủ Thiên Đức, thời đó là trung tâm học thuật lớn nhất Đại Cồ Việt, hoàng tử cùng các vương thân, công tử nghe tin thánh thượng băng hà nên tức tốc hồi kinh. Thiếu niên áo tía hầu cận bên cạnh là thân tín vệ binh hoàng tử, tên Lý Đạo Thành, cũng là một vương tử, con của Huyền Trung Vương ở phủ Thiên Đức, quê gốc của hoàng gia.

Thuyền ngự cập vào bến Bạch Mã, đám gia nhân lên buộc dây tạm lên cột và bắc cầu để mọi người lên bờ, cũng vừa lúc thày dạy của hoàng tử cùng thị vệ Đạo Thành cùng lên mạn. Hoàng tử dừng bên cầu thuyền mời thiền sư đi lên trước, đoàn người nối nhau lên cầu bến tả ngạn sông Tô. Thiền sư Huệ Sinh đầu cạo trọc, vóc người tầm thước, mảnh khảnh trong bộ áo sãi màu nâu sẫm, đi đôi hài vải. Đôi mắt thầy sáng quắc trên gương mặt gầy guộc, chòm dâu muối tiêu dài quá cổ phúc hậu, đôi tai to vành dài chấm vai, cổ đeo tràng hạt gỗ trầm nâu sẫm dài quá bụng. Thầy là tổ thiền thế hệ thứ mười ba của thiền phái Diệt Hỉ, thiền phái có lịch sử gần năm trăm năm, được sáng lập tại Pháp Vân tự phủ Thiên Đức bởi Đại sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi người gốc Thiên Trúc, pháp danh hán tự là Diệt Hỉ.

Nếu Bồ Đề Đạt Ma được coi là tổ thiền của thiền tông phương Bắc, Thiếu Lâm tự là gốc gác của võ công Trung Nguyên, thì Pháp Vân tự của phái Diệt Hỉ cũng gần như được coi là gốc gác của thiền võ phương Nam. Nói là gần như vì phật pháp và thiền học đã thâm nhập nước Nam từ rất sớm. Phật pháp thì tương truyền xuất hiện từ thời của các vua Hùng theo bước chân đoàn truyền giáo của vua A Dục xứ Thiên Trúc. Còn tổ thiền đầu tiên được biết đến là đại sư Khương Tăng Hội, sinh ra tại Giao Chỉ thời thái thú Sĩ Nhϊếp, tương đương với thời Đông Hán Tam Quốc phương bắc cách đây tám trăm năm. Sư có cha là thương gia người gốc Khương Cư và mẹ là người Việt. Ông tu học, dịch kinh sách tại Luy Lâu, tức phủ Thiên Đức bây giờ, sáng lập nên thiền phái Nam Hội, giảng dạy kinh Phật, võ thuật khí tông, rồi truyền tâm ấn và sang truyền giáo ở Trung Nguyên, viên tịch ở phương bắc. Các thiền sư thế hệ sau của phái Nam Hội lập nên Tây Thiên Tam Thiền Tự ở vùng Tam Đái để nối tiếp tâm ấn của thày.

Những năm tháng đó, đạo phật chưa có vị thế ở các triều đại phương bắc bằng đạo lão, đạo nho, tu học phải chịu nhiều tai kiếp, cấm đoán bể dâu. Sau đấy còn tàn bạo hơn cả là những cuộc diệt phật. Những vị đại sư đầu tiên của Phật giáo Trung Nguyên cũng từng bị lùng diệt khắp nơi nên việc tu tập thường diễn ra kín đáo, chùa chiền bắc phái thường dựng trên núi cao, vừa thể hiện tư tưởng xuất thế, vừa tránh triều đình suy diễn là tụ tập tham vọng chính trị để lấy cớ phát khởi can qua, sư sãi khi gặp biến cố cũng còn phải chạy loạn tha phương khắp nơi khắp chốn. Phải sau thời Đạt Ma sư tổ đến Trung Nguyên gần hai trăm năm, đạo Phật mới bắt đầu dần dần được triều đình chấp nhận chính thức, các nhà các phái, các chùa đạo Phật mới lần lượt có chính danh. Các đại sư bắt đầu công khai thu nhận đệ tử, giảng giải phật pháp và đưa phật giáo phát triển lêи đỉиɦ cao như là quốc giáo của nhà Đường. Ấy vậy mà cũng chính trong đời Đường, phật gia cũng không tránh khỏi họa diệt vong trong năm năm Hội Xương pháp nạn.

Đến thời thiền sư Diệt Hỉ sáng lập tông giáo ở Pháp Vân tự phương nam thì phái thiền Nam Hội cùng các đại sư thế hệ sau lên tu tập tại Tây Thiên Tam Thiền Tự đã đột ngột biến mất được gần hai trăm năm. Thiền phái Diệt Hỉ nhanh chóng phát triển thành thiền phái chánh tông của Đại Cồ Việt. Thiền sư Diệt Hỉ từng có duyên gặp gỡ và cứu mạng chính tam sơ tổ của thiền tông Trung Nguyên là Tăng Xán đại sư khỏi sự truy sát của triều đình phương Bắc khi sang truyền giáo ở Trung Nguyên. Tam tổ khuyên thầy hãy đi về phương nam yên bình mà truyền đạo. Sư trở về Pháp Vân tự và sáng lập ra thiền phái Diệt Hỉ, người theo tu học rất đông. Những thế hệ nhân tài lần lượt xuất hiện trong môn phái và sau này đều trở thành những đại nhân vật đóng vai trò rất lớn trong công cuộc kháng chiến chống phương Bắc, cũng như duy trì quốc thống triều đình nhà Ngô, Đinh, Lê, Lý. Có thể kể đến thiền sư Pháp Hiền, Pháp Thuận, Định Không, Đinh La Quý, thiền sư Vạn Hạnh, Đa Bảo... những thiền sư không những tinh thông Phật pháp, uyên thâm tam giáo cửu lưu mà còn là những cao thủ võ lâm, võ thuật cao cường, nội lực thâm hậu. Thậm chí, khi tu pháp môn thiền lên tầng cao, dân gian tương truyền có vị đại đức còn hiển thần thông, có những dị năng đặc biệt như chim thú vây quanh khi thiền định, đao thương bất nhập khi vận khí rồi còn rất nhiều những truyền thuyết linh dị khó tin khác nữa.

Thiền phái Diệt Hỉ truyền y bát đến đời thứ mười ba tới tay thiền sư Huệ Sinh. Sư thiên tư đĩnh ngộ, sớm có duyên với cửa thiền, tu từ năm mười chín tuổi cùng thiền sư Định Huệ tại chùa Quang Hưng phủ Thiên Đức, đi cầu học khắp các Tùng lâm, sau lại được khai tâm trực tiếp từ thiền sư Vạn Hạnh, cùng thiền sư Vạn Hạnh phò giúp Thánh thượng đăng cơ nên được liệt vào hàng khai quốc công thần. Tương truyền ông tinh thông hai bộ tuyệt kỹ võ công của phái Diệt Hỉ, về chiêu số là mười hai thức Diệt Duyên Quyền, và về nội công là tuyệt học Bát Nhã Tâm Kinh uy trấn trời nam. Bát Nhã Tâm Kinh là bộ khí công tâm pháp được Tổ sư Diệt Hỉ trực ngộ từ thuật Du già Thiên Trúc và Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, gồm tám tầng công lực, thiền sư Huệ Sinh đang luyện ở tầng thứ năm. Mỗi lần thiền định Đại sư có thể ngồi nguyên năm ngày, cơ bắp khô lại nên người đời gọi thầy là Nhục thân đại sỹ. Năm Vạn Hạnh qua đời, sư cũng rời kinh đi vân du tu học tứ phương, sang Sơn Đông Trung Thổ rồi lại sang tận Thiên Trúc, Thổ Phồn, mười năm không còn tin tức. Mười năm sau sư đột ngột trở về chùa Quang Hưng, ngay lập tức Thánh thượng phong sư làm trụ trì, nhưng dùng lễ như dành cho bậc Quốc sư, các hoàng tử, vương tử và con em quan tướng mỗi năm vẫn phải dành một tháng để về Thiên Đức nghe thầy giảng pháp.

Thiền sư Huệ Sinh dẫn đầu đoàn gần ba mươi người, gồm hoàng tử, các vương tôn, công tử và các đại sư phái Diệt Hỉ rảo bước từ bến Bạch Mã tiến về cửa Tường Phù phía đông hoàng thành Thăng Long. Bến Bạch Mã là bến phía Đông của Hoàng thành, từ đó đi qua hai con phố là Hàng Buồm, Hàng Vải, qua cây cầu đá bắc qua sông Tô là tới cửa đông. Khi đoàn người đến Hàng Vải, đám người trên những chiếc thuyền hậu cập bến Đông Bộ Đầu Hòe Nhai, bến Phúc Lâm Hàng Đậu cũng vừa đến nơi, hợp đoàn cả thảy hơn tám mươi người cùng tiến về hoàng thành.

Khi gần đến quảng trường cửa đông hoàng thành, đoàn người bỗng nghe có tiếng í ơi, dường như là tiếng quan binh, lại cả tiếng loảng xoảng của giáp và cả tiếng vó ngựa lộp cộp. Bát lang chắp tay, quay sang tham vấn thiền sư Huệ Sinh :

- Bạch thầy, quảng trường phía đông và nam của cấm thành vốn là vùng cấm địa, ngoại trừ cấm vệ quân, không có bất kỳ đơn vị quân nào được phép mặc giáp cầm vũ khí đến gần, xin phép thầy cho đệ tử qua xem đám quan binh kia của phủ nào, sao lại dám giáp trụ hiên ngang thế.

Thiền sư quay sang nhìn Đạo Thành :

- Mô Phật ! Phiền hộ vệ Thành dùng thân pháp qua nhanh bên đó rồi cho vời chỉ huy của toán quân sang đây để Bát lang hoàng tử có lời muốn cậy.

Quay sang nhìn Bát lang, thiền sư lại nói :

- Hoàng tử cứ từ tốn đi sang bên đó, đoàn sẽ đứng ngay phía sau để chờ người.

Bát lang vừa quay ra bước được ba bước thì đã thấy Lý Đạo Thành đã phi đến quảng trường phía đông sát chân hoàng thành. Thấy bóng hộ vệ giơ tay chỉ chỏ một lát, một chỉ huy cưỡi ngựa ô rời đám quan binh, lang đi được đến bước thứ mười thì hai người một ngựa đã tiến đến trước mặt. Viên chỉ huy dừng ngựa, nhảy xuống, cúi đầu chào :

- Tiểu tướng xin vấn an hoàng tử.

- Tiểu tướng to gan, quân nhà nào, phủ nào, có biết luật lệ kinh thành không, chỗ này là chỗ được mặc giáp cầm gươm sao ? Bát lang hỏi.

- Tiểu tướng là tiền tướng tiên phong của quân Phiêu Kỵ thuộc phủ Đông Chinh Vương. Viên chỉ huy đáp. Quân Phiêu Kỵ nhận được tin báo đại tang khi đang chiến đấu với quân phản loạn ở châu Văn, phải cắt cử các tướng tạm đình chiến, tháp tùng vương gia về chịu tang, ngựa Phiêu Kỵ chạy gần hai ngày mới về đến bến, lên thuyền về thành. Vì quá vội sợ qua giờ làm lễ nên chưa kịp thay giáp trụ, giờ đám chúng tôi phải phi ngay sang cửa Quảng Phúc phía tây bái vọng theo quy chế đại tang hoàng thượng. Đông Chinh Vương đã xin ân điển của Đông cung điện hạ, Thái sư tướng công Trần Cảo và cũng đã được chấp thuận, sau lễ sẽ xin về phủ đệ thay đồ, mong hoàng tử minh xét.

- Quan anh có phải thuộc binh chế Phiêu Kỵ đâu ? Hộ vệ Lý Đạo Thành bỗng lên tiếng.

Viên chỉ huy bất chợt giật mình, Bát Lang quay sang, Đạo Thành tiếp lời :

- Quan anh họ Đỗ trên Phương, tuổi ba mươi tám, người trấn Đoài Tây, sung quân từ tuổi hoàng nam, thuộc binh chế quân Thánh Dực, phủ Dực Thánh Vương.

Viên chỉ huy sa sầm nét mặt, đầu cúi thấp hơn, vội thưa :



- Thưa hoàng tử, Phương tôi gia nhập quân ngũ cũng hơn hai mươi năm, trưởng thành trong binh chế quân Thánh Dực, từng tham gia đại chiến hai mươi vạn quân Đại Lý Đoàn thị mười bốn năm về trước. Cuối năm ngoái có nạn giặc châu Văn, Đông Chinh Vương thừa chỉ lãnh chức Phiêu Kỵ tướng quân, ra quân dẹp giặc, tiểu tướng cùng một vài tướng khác thuộc binh chế quân Thánh Dực, từng có nhiều kinh nghiệm phạt phỉ, lại thông thuộc thủy thổ nên được Đông Chinh Vương mượn nạp xuất chinh, cái này hoàn toàn là sự sắp xếp của bề trên, bề tôi thật không dám có gì dấu diếm.

Bát lang quay sang nhìn Đạo Thành, viên chỉ huy tiếp lời luôn :

- Còn ít khắc nữa là đến giờ hành lễ, cúi xin hoàng tử cho tiểu tướng cáo lui, không trễ giờ lại phạm quân lệnh.

Đạo Thành ngước lên nhìn hoàng tử, Bát lang khẽ gật đầu đáp :

- Thôi cho nhà anh lui, cũng sắp tới giờ rồi.

Đỗ Phương cúi đầu, chắp tay chào, đi lùi ba bước rồi nhảy lên ngựa, đoạn phi nước kiệu hai chục bước nữa rồi mới phi thẳng vể chân thành hướng đám quan binh, rồi cả đám người ngựa phi theo đường quảng trường ven chân thành sang phía tây khuất mắt. Hoàng tử cùng Đạo Thành cũng quay gót về cửa đông.

Vừa bước đi, Bát Lang vừa quay sang hỏi Đạo Thành

- Thành có vẻ nắm rất rõ về lai lịch viên chỉ huy đó nhỉ ?

Thành mỉm cười đáp :

- Bề tôi lớn lên từ trong hoàng tộc, sớm đã dự bị quân ngũ, lại được ân điển của Thánh thượng nên cũng sớm được học chữ nghĩa thi thư. Khi nhàn hạ việc theo hầu, hay không phải ngày học văn học võ học pháp, tôi thường phụ cha với bác san định thư tịch, khẩu bạ của binh bộ và kiêm quản thư tịch thu dụng hoàng nam mỗi năm của Khu mật viện. Cha và bác thấy tôi tổng hợp thư tịch ngay gọn, rành mạch, lại ghi nhớ nội dung, vả lại từ nhỏ tôi cũng có tài lạ là rất nhớ mặt người, những người đã gặp đã biết thì nhớ rất lâu, nên sau bác thường cho tôi theo hầu đến các ban nhỏ của viện để gặp ba quân tướng sĩ. Bẩm hoàng tử, không phải chỉ viên chỉ huy này, mà hầu hết các binh các tướng, thậm chí có cả những tam phẩm hoàng nam có triển vọng nhưng chưa gia nhập binh chế, bề tôi đều ít nhiều nắm rõ lai lịch.

- À, thế bộ binh ở Kinh Bắc vẫn ổn thỏa chứ, có thiếu lương thực thuốc men gì không ? Khi ta đang học ở phủ Thiên Đức, Thành chắc cũng về qua thăm cha thăm chú chứ nhỉ ? Hoàng tử hỏi.

- Mọi chuyện vẫn tốt, thưa hoàng tử. Quân của Thái tử đại nguyên soái, Phiêu kỵ tướng quân Đông Chinh Vương và các thân vương đều lấy Thiên Đức làm cơ sở phạt phỉ, việc quân bị thì vẫn hoạt động đêm ngày, nhất là quân Thánh Dực.

Nói đoạn Đạo Thành cười nhẹ rồi tiếp:

- Dực Thánh Vương đến ngày học pháp cũng không đi, ngày đêm ăn ngủ thao trường cùng quân sĩ.

Hoàng tử mỉm cười nói :

- Ừ nếu có thiếu thốn gì ở Thiên Đức, nhận được tin báo ta sẽ cho tiếp vận ngay. Còn về hoàng thúc. Hoàng tử dừng lại một lúc rồi nói tiếp. Hoàng thúc rời binh quyền đã sáu năm, nhưng công trạng to lớn, quân lính trung thành nên chắc vẫn nhớ cái nghiệp binh gia, vẫn lưu luyến cái thuở cầm quân chinh phạt đây mà. Với cả có ông tướng tá quan binh nào từ chối thị phạm của đệ nhất chiến thần đâu cơ chứ.

Nhưng rồi hoàng tử nhìn sang, mặt thoáng nghiêm nghị :

- Nhưng như thế là không tôn trọng các lão sư, không thực hiện trọn vẹn mệnh lệnh của Thánh thượng.

Đạo Thành nhìn lên hoàng tử và đáp lời :

- Toàn quân cũng vừa nể sợ uy danh vừa khâm phục võ nghiệp của lão tướng đánh một trận tan hai mươi vạn đại quân Đại Lý Đoàn thị, vị lão tướng chinh nam phạt bắc, bách chiến bách thắng nên chẳng ai dám ý kiến gì đâu hoàng tử.

Thái tử gật đầu rồi quay gót, đoạn vừa đi vừa nói :

- Phù giai binh giả, bất tường chi khí. Ta từng xem sách sử phương bắc, sử nước ta và cả những truyện dân gian truyền thuyết. Ta thấy cả ngàn năm người Việt mất nước, đâu thiếu những anh hùng hào kiệt võ nghệ cao cường đâu. Thế mà tại sao phải mất tới ngàn năm, cứ giành được nước cao lắm vài chục năm rồi lại mất ? Phải tới thời Khúc Tiên Chúa, Dương Minh Công mới bắt đầu thai nghén được nền tự chủ lâu dài kéo tới tận ngày nay ?

- Thành xin cúi nghe nghe hoàng tử chỉ dạy ? Thành liền cúi đầu đáp lời.

- Theo ta đó là do thiếu tâm và tuệ thôi. Giành được là một chuyện, giữ được hay không lại là một chuyện khác. Tâm là để khoan thư sức dân, đoàn kết trăm nhà. Tuệ là để biết cương biết nhu, biết theo thời thế, biết không kiêu mà chẳng nhục, biết không hèn mà chẳng nguy. Như Khúc Tiên Chúa bá chủ một phương rồi mà vẫn chỉ nhận chức Tiết độ sứ, vẫn sai sứ sang phương bắc hòa hoãn để dân sinh sống không phải chịu cảnh binh đao, như Dương Minh Công không xưng vương mà âm thầm bồi đắp việc ăn việc học cho những dưỡng giả tử. Chẳng thế thì sau này chẳng thể có những Ngô Vương, Đinh Tiên Hoàng, Đại Hành Hoàng Đế và Tiên đế chúng ta. Chung quy là ngoài võ vẫn phải có văn, phải học, phải học Đạo Thành ạ.

- Thành thật may mắn được theo hầu và được hoàng tử khai tâm.

Đạo Thành cúi đầu chắp tay lĩnh huấn, hoàng tử vừa mỉm cười vừa vỗ nhẹ mấy cái lên vai Đạo thành rồi cả hai người cất gót tiến về chỗ đoàn người đang đợi ở cửa đông.